Ra mắt thương hiệu (brand launch) là một cột mốc quan trọng, quyết định sự thành bại của quá trình “cá chép vượt vũ môn hóa rồng” của doanh nghiệp. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết đâu là thời điểm “vàng” để làm mới thương hiệu, tung ra sản phẩm/dịch vụ mới hay tái định vị thương hiệu. Bài viết này sẽ giúp bạn khám phá 6 thời điểm lý tưởng để brand launch, từ đó tối ưu hóa cơ hội tiếp cận khách hàng và xây dựng nền tảng vững chắc cho thương hiệu.
Nội dung
Toggle1. Brand launch là gì?
Thương hiệu là tài sản quý giá của mỗi doanh nghiệp. Chúng giúp doanh nghiệp có được danh tiếng, tạo dựng vị thế vững chắc trên thị trường và không ngừng gia tăng doanh thu, bằng cách xây dựng niềm tin, sự gắn bó với khách hàng.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, thương hiệu sẽ có sự thay đổi để linh hoạt với chuyển động của thị trường, xu hướng phát triển của ngành nghề, nhu cầu của người tiêu dùng hay kịp thời khắc phục những vấn đề tồn đọng.
Thương hiệu là tài sản quý giá của mỗi doanh nghiệp
“Brand launch” hay “ra mắt thương hiệu” là quá trình thương hiệu có sự đổi mới về nhận diện, sản phẩm/dịch vụ hay thay đổi toàn bộ các “giá trị” của một doanh nghiệp. Do đó, sẽ có sự tác động không nhỏ đến khách hàng và thị trường mục tiêu. Vì vậy, Brand launch được đánh giá là một sự kiện quan trọng, đánh dấu bước khởi đầu cho hành trình mới đầy hứa hẹn của thương hiệu và doanh nghiệp.
Khi doanh nghiệp muốn tạo dấu ấn mạnh mẽ trên thị trường, chiến dịch Brand launch sẽ được khởi động và thường dành cho các hoạt động sau đây:
- Làm mới thương hiệu (Brand Refresh): Là hình thức thay đổi nhẹ nhàng với sự chỉnh sửa đôi chút về logo, slogan và bộ nhận diện để phù hợp với xu hướng hiện tại nhưng vẫn những giá trị cốt lõi. Ví dụ như tinh chỉnh lại đường nét logo nhưng vẫn giữ nguyên các màu sắc ban đầu và tỉ lệ không quá chênh lệch.
- Tái định vị thương hiệu (Rebranding): Quy trình tái xây dựng thương hiệu sẽ mang đến một bộ nhận diện mới cùng với đó là sự thay đổi của tất cả các yếu tố như tên thương hiệu, bản sắc thương hiệu, tagline, thông điệp thương hiệu, hệ giá trị, chiến lược… Có thể được xem như là quy trình “đập đi xây lại” hoàn toàn.
- Mở rộng thương hiệu: Đây là trường hợp phổ biến nhất, khi doanh nghiệp muốn giới thiệu một sản phẩm hoặc dịch vụ hoàn toàn mới đến khách hàng. Mục tiêu là tạo sự chú ý, xây dựng nhận thức và thúc đẩy doanh số bán hàng.
- Ra mắt thương hiệu: Là câu chuyện giới thiệu thương hiệu mới thành lập với người tiêu dùng và thế giới. Trong quá trình ra mắt, doanh nghiệp có cơ hội quyết định cách đối tượng mục tiêu có cảm nhận ra sao, trải nghiệm như thế nào về thương hiệu thông qua các giá trị cốt lõi, thông điệp, định vị và chuỗi hoạt động tiếp thị, quảng cáo, mua sắm. Ví dụ khách hàng có thể tìm hiểu thông tin ở nhiều kênh khác nhau: Facebook, Instagram, Website và áp dụng hình thức mua cả offline lẫn online. Ngoài ra, để thu hút khách đến cửa hàng khai trương có thể kết hợp triển khai chương trình khuyến mãi.
Dù là triển khai chiến dịch Brand Launch vì mục đích gì, khối lượng công việc nhiều hay ít muốn thành công thì trong giai đoạn trước khi ra mắt, doanh nghiệp cần xác định rõ:
- Thị trường đang vận hành như thế nào?
- Các đối thủ cạnh tranh trực tiếp và gián tiếp là ai?
- Đâu là tệp khách hàng bạn hướng tới? Những người tiêu dùng nào có thể quan tâm đến sản phẩm/dịch vụ của bạn?
- Sản phẩm/dịch vụ của bạn mang lại những giá trị gì? Điểm khác biệt, điểm nổi trội so với đối thủ là gì?
- Bạn truyền tải những giá trị đó ra sao, thông điệp như thế nào?
- Tìm hiểu và xem xét các phương tiện xã hội nào có thể hỗ trợ tốt nhất?
Đừng ngại ngần việc thử nghiệm trong môi trường nội bộ trước khi truyền thông đến khách hàng một cách rõ ràng và minh bạch.
2. Lý do nên thực hiện Brand Launch?
Việc thực hiện Brand Launch mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho doanh nghiệp, đặc biệt là trong giai đoạn đầu phát triển. Dưới đây là một số lý do chính:
2.1. Tạo dựng nhận diện thương hiệu
Một chiến lược brand launch hiệu quả giúp thiết lập một nhận diện thương hiệu nhất quán qua logo, màu sắc, font chữ và các yếu tố hình ảnh khác. Khi các yếu tố này được đồng bộ và rõ ràng, chúng sẽ dễ dàng tạo nên sự khác biệt so với đối thủ, đồng thời gia tăng sự tin cậy và sự gắn bó của khách hàng với thương hiệu.
Stabucks tạo dựng nhận diện thương hiệu dựa trên logo
Ngoài ra, brand launch còn giúp thương hiệu xây dựng một kết nối cảm xúc với khách hàng, điều này rất quan trọng trong việc duy trì sự hiện diện lâu dài trên thị trường. Khi khách hàng nhận thức rõ về giá trị và tầm nhìn của thương hiệu, họ sẽ dễ dàng lựa chọn và trung thành với sản phẩm của bạn.
2.2. Phù hợp với nhu cầu thị trường, người tiêu dùng
Thị trường luôn thay đổi với những biến động ngầm như đại dịch Covid-19 vừa qua đã thay đổi phần lớn về nhận thức và cách người tiêu dùng chọn lựa sử dụng sản phẩm, dịch vụ. Nổi bật nhất là tiêu chí xanh, bền vững, thân thiện và an toàn với môi trường, sức khỏe người dùng. Đặc biệt, các sản phẩm của thương hiệu được các tổ chức uy tín cấp chứng nhận chứng chỉ đạt tiêu chuẩn chất lượng luôn được người tiêu dùng tin dùng hơn.
Nếu như doanh nghiệp không kịp thời thích ứng với thời cuộc nhất là những doanh nghiệp có tầm ảnh hưởng sâu rộng sẽ rất dễ gặp phải “làn sóng sa thải” từ người tiêu dùng.
2.3. Để khắc phục những vấn đề tồn tại
Trong suốt chiều dài hoạt động và phát triển, thương hiệu có thể sẽ có những vấn đề nội tại gây ảnh hưởng đến doanh số bán hàng, khiến tinh thần nhân viên giảm sút, ví dụ như:
- Nhận diện thương hiệu không đồng nhất, rõ ràng hoặc lỗi thời;
- Thương hiệu để lại ấn tượng không tốt;
- Sản phẩm/dịch vụ không còn phù hợp với nhu cầu thị trường;
- Khách hàng không còn trung thành với thương hiệu;
- Không còn nổi bật trên thị trường;
- Thiếu sự tương tác và kết nối với khách hàng;
- …
Mỗi một nguyên nhân sẽ có cách thực hiện Brand Launch phù hợp để khắc phục những vấn đề nội tại. Nó không chỉ đơn thuần là thay đổi tên gọi hay logo, màu sắc mà là một chiến lược toàn diện, đòi hỏi sự nghiên cứu kỹ lưỡng để tạo ra một thương hiệu mạnh mẽ, khác biệt, có giá trị và phù hợp hơn với bối cảnh hiện tại, hướng tới sự phát triển bền vững.
2.4. Tránh tình trạng mua phải hàng giả
Tính từ năm 2022, các lực lượng chức năng phát hiện và xử lý gần 3.700 vụ hàng giả và vi phạm sở hữu trí tuệ trong tổng số trên 139.000 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả chiếm tỷ lệ 2,6%; năm 2023, tỷ lệ này chiếm 3,7% và 9 tháng đầu năm 2024, chiếm tỷ lệ 4,1%.
Thương hiệu trong tình cảnh bị hoài nghi, đồn đoán bởi tin giả hoặc mua phải hàng giả từ các nguồn không chính thức. Khi thực hiện chiến dịch “tung hàng” – Brand launch sẽ giúp giảm thiểu tình trạng này bởi vì nhận được thông tin chính xác, chính thống, đồng nhất trên mọi nền tảng truyền thông, tránh gây hiểu nhầm hoặc khiến người tiêu dùng mất niềm tin vào thương hiệu.
2.5. Brand launch làm mới ký ức thương hiệu
Theo thời gian, ấn tượng về thương hiệu có thể dần phai nhạt, trở nên lỗi thời hoặc thậm chí bị lu mờ bởi sự xuất hiện của các đối thủ cạnh tranh mới. Brand Launch đóng vai trò như một “cú hích” mạnh mẽ, một sự kiện quan trọng để:
- Tạo ra sự chú ý, khơi dậy sự tò mò và mong muốn khám phá thông qua thông điệp hấp dẫn, hình ảnh ấn tượng và các hoạt động tương tác thu hút sự quan tâm của công chúng, giới truyền thông, khiến họ muốn tìm hiểu thêm về những gì thương hiệu mang lại. Điều này tạo ra một “làn sóng” quan tâm ban đầu, mở đường cho sự tương tác và trải nghiệm sau này.
- Chiến dịch Brand Launch thành công sẽ tạo ra hiệu ứng lan tỏa, thu hút sự chú ý của giới truyền thông và công chúng. Điều này giúp tăng cường nhận diện thương hiệu, gắn bó sâu sắc với khách “ruột” và mở rộng phạm vi tiếp cận tệp khách hàng mới. Đặc biệt, với các “điểm chạm” mang tính cá nhân hóa giúp khách hàng dễ dàng cảm thấy gần gũi và kết nối hơn với thương hiệu.
- Trong một thị trường cạnh tranh khốc liệt, Brand Launch là cơ hội để thương hiệu thể hiện sự khác biệt, nổi bật so với các đối thủ, đồng thời giúp củng cố và nâng cao giá trị thương hiệu.
3. Khi nào cần tổ chức Brand launch?
Mặc dù, Brand Launch mang lại nhiều lợi ích thiết thực, từ việc tạo nhận diện ban đầu cho đến việc củng cố vị thế trên thị trường. Tuy nhiên, luôn có những băn khoăn để doanh nghiệp cân nhắc thực hiện Brand Launch không chỉ đến từ nội bộ mà bao gồm cả đối tác, đối thủ, khách hàng “ruột” đến người tiêu dùng. Có thể là những câu hỏi như “Tại sao thương hiệu này lại thay đổi?”, “Thay đổi có ảnh hưởng gì đến sản phẩm, dịch vụ không?”, “Mọi người sẽ tiếp nhận như thế nào?”, “Điều khác biệt sau khi thay đổi là gì?”….
Vì vậy, “thời điểm thích hợp chính là vàng”! Nhưng, đâu mới là thời điểm thích hợp của thương hiệu? Nội dung dưới đây giúp bạn khám phá những thời điểm tiềm năng để doanh nghiệp của bạn có thể tự tin tổ chức một Brand Launch thành công, tạo nên dấu ấn mạnh mẽ và bền vững trong tâm trí khách hàng.
3.1 Ra mắt một thương hiệu mới
Khi một “hạt mầm” thương hiệu được “gieo”, Brand Launch chính là mảnh đất đầu tiên giúp hạt nảy mầm. Lúc này, thương hiệu có thể làm rất nhiều thứ để tạo ấn tượng đầu tiên mạnh mẽ, xây dựng lòng tin và “bén rễ” trong tâm trí mọi người.
Bên cạnh việc xây dựng nhận diện thương hiệu từ con số 0. Ví dụ như giới thiệu tên gọi, logo, slogan, câu chuyện thương hiệu một cách nhất quán và ấn tượng. Tiếp theo đó là các hoạt động truyền thông, quảng bá hay sự kiện khai trương nhằm truyền tải rõ ràng những giá trị độc đáo, lợi ích mà thương hiệu mang lại. Đặt “nền móng” cho các chiến dịch marketing sau này “cất cánh”.
3.2 Ra mắt một sản phẩm, dịch vụ mới
Chúng ta luôn nhầm lẫn rằng, thương hiệu đã có chỗ đứng trên thị trường thì khi một sản phẩm, dịch vụ mới ra đời chỉ cần giới thiệu cho khách hàng là họ sẽ tin và trải nghiệm. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện nay khi một bộ phận KOC phát triển thì người tiêu dùng đã chọn lọc sản phẩm, dịch vụ khắt khe hơn bao giờ hết. Họ sẽ dựa vào những video review của KOC và nhiều người dùng khác để đưa ra kết luận.
Một nghiên cứu của NielsenIQ mới đây chỉ ra rằng, trong một ngành hàng, trung bình 162 sản phẩm mới được tung ra mỗi năm và trong đó, gần 30% sản phẩm có triển vọng cao không nhận được điều kiện hỗ trợ thỏa đáng để phát huy tối đa tiềm năng.
Chính vì vậy, để người tiêu dùng dễ dàng đón nhận một sản phẩm hoặc dịch vụ mới, thương hiệu cần có các hoạt động giới thiệu, trải nghiệm để:
- Tạo sự chú ý và kích thích nhu cầu: Giới thiệu sản phẩm/dịch vụ mới đến đối tượng khách hàng hiện tại và tiềm năng, tạo ra sự háo hức và mong muốn trải nghiệm.
- Tăng cường doanh số và mở rộng thị trường: Giúp sản phẩm/dịch vụ mới nhanh chóng tiếp cận thị trường và đạt được mục tiêu doanh số.
- Nâng cao hình ảnh thương hiệu: Thể hiện sự đổi mới, sáng tạo và khả năng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.
- Tạo cơ hội tương tác và thu thập phản hồi: Tổ chức các buổi trải nghiệm, demo sản phẩm để thu thập ý kiến khách hàng, cải thiện sản phẩm/dịch vụ.
3.3. Thương hiệu đạt được một cột mốc quan trọng
Khi thương hiệu đạt được một cột mốc quan trọng, việc thực hiện Brand Launch không chỉ là một sự kiện ăn mừng, mà còn là một bước chiến lược để củng cố vị thế và tạo đà phát triển. Cột mốc quan trọng có thể là đạt được một số lượng khách hàng nhất định, mở rộng thị phần, ra mắt sản phẩm đột phá, hoặc nhận được giải thưởng danh giá có tiếng vang lớn.
Ngoài việc ghi nhận sự tiến bộ, Brand Launch còn giúp củng cố hình ảnh thương hiệu và duy trì sự liên kết giữa thương hiệu và khách hàng. Những cột mốc này cũng là dịp để thương hiệu tri ân khách hàng đã đồng hành cùng mình, từ đó xây dựng mối quan hệ lâu dài và trung thành.
3.4. Làm mới thương hiệu
Việc làm mới thương hiệu thường đi kèm với những thay đổi về mặt hình thức để phù hợp với xu hướng và thị hiếu thay đổi của khách hàng. Tuyệt đối không thay đổi chiến lược thương hiệu, thông điệp, giá trị cốt lõi hoặc đối tượng mục tiêu. Các thay đổi thường liên quan đến yếu tố thẩm mỹ như logo, màu sắc, phông chữ, hoặc thông điệp truyền thông.
Chiến lược làm mới thương hiệu có thể sẽ có một sự kiện họp báo, nơi thương hiệu công khai lý do thay đổi và những lợi ích mang đến cho người tiêu dùng. Một màn ra mắt thương hiệu mới có thể tạo sự phấn khích và tò mò, giúp khách hàng cảm thấy hào hứng với sự đổi mới và tiếp tục ủng hộ thương hiệu trong hành trình tiếp theo.
3.5. Brand launch khi tái định vị thương hiệu
Mọi người thường hiểu nhầm làm mới thương hiệu và tái định vị thương hiệu là một. Trên thực tế, phạm vi triển khai sẽ khác nhau:
- Làm mới thương hiệu là sự thay đổi nhẹ nhàng, tập trung vào hình thức bên ngoài.
- Tái định vị thương hiệu là sự thay đổi toàn diện và sâu sắc tập trung vào bản chất, vị thế thương hiệu. Thương hiệu không chỉ dừng lại ở việc thay đổi nhận diện mà còn có thể thay đổi tên gọi, tagline, giá trị cốt lõi, chiến lược phát triển hoặc thay đổi vị thế cạnh tranh của thương hiệu.
Một ví dụ điển hình cho thương hiệu tái định vị thành công được nhiều người tiêu dùng và giới chuyên gia hưởng ứng đó là Viettel. Sự thay đổi rõ rệt nhất có thể thấy ở Viettel đó là màu sắc đỏ thể hiện nguồn năng lượng trẻ trung, nhiệt huyết, tinh thần yêu nước; đường nét logo trẻ trung hơn để gần gũi với nhóm khách hàng mục tiêu là thế hệ Millennials hay GenZ.
Câu slogan huyền thoại “Hãy nói theo cách của bạn” được giản lược còn “Your way – Theo cách của bạn” nhằm thể hiện Viettel không chỉ cung cấp dịch vụ viễn thông mà đã chuyển đổi sang thành nhà cung cấp dịch vụ số. Cùng với các công nghệ cao, tự động hóa như AI, Big Data và Robotics, thương hiệu linh hoạt cung cấp đa dạng giải pháp trước khi khách hàng nói ra yêu cầu.
Ngoài ra, giá trị cốt lõi và sứ mệnh cũng được thay đổi để phù hợp hơn với thời đại, vị thế Viettel hiện tại đó là “Diversity” – Cộng hưởng tạo sự khác biệt và “Tiên phong kiến tạo xã hội số”.
3.6 Brand launch khi thương hiệu tuyên bố chiến lược mới
Khi một chiến lược mới được thực thi nghĩa là định hướng và mục tiêu dài hạn của thương hiệu cũng thay đổi theo. Sự thay đổi đó có thể bao gồm giá cả, kênh phân phối, sản phẩm/dịch vụ (số lượng, chủng loại, chất lượng…) hay đối tượng khách hàng mục tiêu. Điều này có thể khiến khách hàng hiểu nhầm và để tránh trường hợp người tiêu dùng không ủng hộ thì thương hiệu cần triển khai Brand Launch.
Thông tin tuyên bố chiến lược mới cần được đồng nhất và triển khai trên mọi nền tảng trang mạng xã hội, truyền thông nhằm tạo sự kết nối mạnh mẽ với các đối tác, nhà đầu tư và khách hàng. Đồng thời, giảm tỷ lệ các thông tin sai lệch từ nguồn không chính thống lợi dụng, gây bất lợi cho thương hiệu về sau.
4. Quy trình thực hiện brand launch
Một buổi ra mắt thương hiệu thành công không chỉ có những giây phút thăng hoa, đẩy đam mê chia sẻ về “đứa con tinh thần” – thương hiệu và các sản phẩm/dịch vụ mới với thế giới. Đằng sau đó, là một hành trình đầy thử thách bao gồm nhiều công đoạn khác nhau từ lập kế hoạch, gửi thông báo qua email, kịch bản truyền thông trên các kênh, tạo sự kiện offline đến lập kế hoạch phụ để tránh rủi ro xảy ra hoặc có phương án giải quyết dự phòng.
Trước khi triển khai các bước lập Brand Launch, bạn cần xác định được tone & mood, từ đó chọn ra màu sắc, hình ảnh và ngôn ngữ phù hợp để truyền tải đúng cảm xúc, tinh thần thương hiệu. Dưới đây là quy trình Brand launch 6 bước mà bạn có thể tham khảo để thực hiện.
Bước 1: Lập kế hoạch ra mắt thương hiệu
Là bước tiền đề có sức chi phối và ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả, kết quả của chiến dịch Brand Launch. Kế hoạch sẽ bao gồm nhiều hạng mục trong đó bạn sẽ cần xác định mục tiêu đầu tiên, ví dụ như:
- Tăng nhận thức, nhận diện về thương hiệu
- Tạo sự quan tâm đến sản phẩm hoặc dịch vụ mới
- Thu hút khách hàng, thúc đẩy doanh số bán hàng
- Xây dựng mối quan hệ với khách hàng
Khi đã xác định được mục tiêu, việc tiếp theo là xác định các hoạt động cụ thể, thời gian triển khai và ngân sách đảm bảo sự phối hợp nhịp nhàng giữa các hoạt động. Lưu ý tất cả các mục tiêu cần cụ thể, đo lường được, có thể đạt được, phù hợp và có thời hạn.
Bước 2: Xác định chân dung người nhận thông tin
Việc xác định đúng chân dung khách hàng mục tiêu sẽ giúp bạn không đi chệch hướng và tăng tỷ lệ truyền thông thành công cao hơn. Trong phần này, bạn sẽ cần xác định có 2 tệp người nhận thông tin đó là:
- Đối tượng liên quan
Là nhóm người tiếp nhận thông tin nhưng không có không có hành động mua bán, tiêu thụ bao gồm nhân viên, đối tác, các cơ quan về kinh tế thị trường, chính phủ.
- Khách hàng
Trong nhóm khách hàng sẽ chia làm 4 tệp khác nhau, đó là:
- Khách hàng mục tiêu là nhóm người mà thương hiệu muốn hướng đến, những người có khả năng cao nhất sẽ quan tâm và mua sản phẩm/dịch vụ. Thông thường, thương hiệu sẽ phải xây dựng chân dung tệp khách hàng này bao gồm các thông tin chi tiết (tuổi, giới tính, nghề nghiệp, sở thích, thói quen, hành vi, nhu cầu, mong muốn và vấn đề)
- Khách hàng tiềm năng là những người có khả năng trở thành khách hàng trong tương lai như khách hàng của đối thủ hoặc họ có hành động thể hiện sự quan tâm đến sản phẩm/dịch vụ hoặc thương hiệu. Ví dụ như trong giỏ hàng có sản phẩm của thương hiệu nhưng chưa mua, người theo dõi các kênh truyền thông của thương hiệu…
- Khách hàng hiện tại là những người đã mua, sử dụng sản phẩm/dịch vụ của thương hiệu.
- Người tiêu dùng là những người sử dụng sản phẩm/dịch vụ của thương hiệu, nhưng không nhất thiết là người mua.
Khi đã xác định được hết các đối tượng tiếp nhận thông tin, bạn cần xác định những kênh truyền thông có thể tiếp cận tới họ như mạng xã hội, báo chí, sự kiện…
Bước 3: Xây dựng kế hoạch truyền thông
Bạn muốn người tiếp nhận thông tin nhận định như thế nào về thương hiệu sẽ được quyết định bởi thông điệp và các nội dung truyền đi. Vì vậy, hãy đi theo hướng sau đây:
- Xác định phong cách, tone & mood của thương hiệu
- Tạo ra các thông điệp hấp dẫn, nhất quán và phù hợp với từng kênh. Đảm bảo thông điệp truyền tải đúng giá trị và định vị thương hiệu.
- Lên kế hoạch nội dung và lịch đăng tải trên các kênh truyền thông. Hãy tạo ra các loại nội dung đa dạng (bài viết, hình ảnh, video…) để thu hút sự chú ý.
- Xây dựng các hoạt động PR và quảng cáo trả phí như các kênh truyền thông nội bộ, mạng xã hội (Facebook, Instagram, Tiktok, Youtube…), quảng cáo ngoài trời (biển OOH), Email Marketing, TVC hay các trang báo điện tử v.v.
Bước 4: Thiết kế bộ tài liệu brand launch
Là khâu nhà sáng tạo nội dung và nhà thiết kế đồ họa cùng làm việc với trưởng nhóm tổ chức sự kiện Brand Launch để tạo ra các ấn phẩm thiết kế phù hợp bao gồm:
- Key-visual của chiến dịch
- Bộ tài liệu sự kiện (Flyer, Backdrop, sân khấu, cổng chào, thư mời…)
- Tập tin thuyết trình
- Video
Hãy đảm bảo rằng tất cả nội dung, thiết kế cho brand launch tuân thủ theo đúng tài liệu định hướng nhận diện thương hiệu (brand guidelines).
Bước 5: Tổ chức sự kiện
Tuỳ theo ngân sách mà sự kiện Brand Launch sẽ có quy mô tổ chức tương ứng. Ví dụ như ngân sách giới hạn, bạn có thể thông báo Brand Launch thông qua các bài viết và hình ảnh truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội.
Ngược lại, nếu bạn có ngân sách lớn, bạn có thể tổ chức sự kiện ra mắt và mời phóng viên, nhà báo tham dự đưa tin để thu hút sự chú ý của giới truyền thông và khách hàng tiềm năng.
Bước 6: Theo dõi và đánh giá
Dù là bước cuối nhưng trên thực tế, theo dõi và đánh giá luôn được thực hiện song song kể từ khi triển khai chiến dịch. Điều này sẽ giúp bạn xác định những gì đã hoạt động tốt và kịp thời thay đổi để chiến dịch đạt yêu cầu, mục tiêu đề ra, cũng như để rút kinh nghiệm cho các chiến dịch tiếp theo.
Một số gợi ý để thực hiện nâng cao hiệu quả của chiến dịch Brand launch:
- Lên kế hoạch Brand Launch càng sớm càng tốt để đảm bảo mọi thứ diễn ra suôn sẻ. Nếu xảy ra sai sót thì cũng có thời gian khắc phục kịp thời.
- Hãy đặt ra những mục tiêu rõ ràng và có thể đo lường được, nhằm tập trung vào các hoạt động quan trọng, đánh giá hiệu quả một cách chính xác.
- Hãy kết hợp nhiều kênh truyền thông khác nhau để tăng khả năng tiếp cận đến đối tượng mục tiêu.
- Khuyến khích khách hàng và những người có ảnh hưởng chia sẻ thông điệp thương hiệu của bạn bằng các quà tặng, voucher khuyến mãi đi kèm.
- Tổ chức các sự kiện hoặc hoạt động ra mắt độc đáo và hấp dẫn để tạo ấn tượng mạnh mẽ, đáng nhớ với khách hàng.
- Tích cực tương tác với khách hàng trên các kênh truyền thông và lắng nghe phản hồi của họ dù là tích cực hay tiêu cực. Điều này vừa giúp xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với khách hàng, vừa cải thiện chiến dịch của thương hiệu.
Trên đây là toàn bộ những thông tin về Brand Launch mà S’Pencil đã tổng hợp và muốn chia sẻ đến mọi người. Hãy nhớ rằng, một sự kiện ra mắt thương hiệu thành công mới chỉ là bước khởi đầu để tạo ra những “điểm chạm” đến khách hàng và xây dựng thương hiệu phát triển bền vững.
Có thể bạn quan tâm: Định nghĩa về thương hiệu trong Marketing và các yếu tố tạo nên thương hiệu